Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2023 khi có thông tin về sửa Luật BHXH, nhiều người lao động chưa hiểu hết nên số lượng người rút BHXH một lần tăng đột biến.
Thống kê từ BHXH Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 595.000 người rút BHXH một lần (tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023), 78% lao động rút một lần từ 20 đến dưới 40 tuổi, 98% rời hệ thống an sinh sau 1 năm nghỉ việc. Đa số lao động rút “một cục" là người làm việc trong doanh nghiệp, nhất là khối FDI chịu nhiều áp lực.
Nhiều lao động cho biết họ hiểu chính sách an sinh, muốn có lương hưu, nhưng vì điều kiện kinh tế nên chọn rút BHXH một lần.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua trong tháng 6 này. Trong đó, cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án giải quyết BHXH một lần.
Nhiều ý kiến băn khoăn về 2 phương án rút BHXH một lần. Ảnh minh họa: Hoàng HàPhương án một, người lao động tham gia BHXH trước ngày 1/7/2025, sau 12 tháng không đóng BHXH bắt buộc lẫn tự nguyện mà đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút một lần.
Phương án hai, lao động đóng BHXH chưa đủ 20 năm, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc cũng không đóng tự nguyện thì được giải quyết tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí tử tuất. Số còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ khi quay lại hệ thống an sinh.
Không nên để người lao động rút hết “một cục”
Chuyên gia lao động Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, để đảm bảo chính sách an sinh thì không nên cho người lao động rút BHXH một lần.
Tuy nhiên, do hiện nay người lao động đang rất khó khăn, chỉ nên quy định cho rút một phần không quá 50% BHXH, phần còn lại để hướng người lao động tái tham gia BHXH, hướng tới hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
Do vậy, cơ quan BHXH nên quy định bảo lưu số năm đóng cho người lao động, số năm đóng vẫn được giữ nguyên và mức hưởng sau này dựa trên số tiền đóng thực tế.
Bà Hương lý giải, công thức hưởng chế độ hưu trí từ BHXH dựa trên mức đóng và số năm đóng. Vì vậy, BHXH nên quy định bảo lưu số năm đóng để tạo điều kiện cho người lao động đảm bảo thời gian hưởng lương hưu.
Ngược lại, nếu rút 50% đồng nghĩa mất nửa thời gian đóng, khi tham gia trở lại, người lao động có số năm tham gia BHXH ít, dẫn đến mức hưởng hưu trí, trợ cấp rất thấp.
Một chuyên gia trong lĩnh vực lao động tiền lương cho rằng, ngoài 2 phương án đã trình Quốc hội thì việc lựa chọn phương án khác rất khó, bởi vì phải đánh giá lại toàn bộ tác động.
Tuy nhiên, nếu chọn một phương án khác thì nên chọn phương án thứ 3. Đó là cho người lao động rút một lần toàn bộ phần người lao động đóng, giữ lại phần tiền cơ quan, doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động.
Với phần tiền giữ lại, sau này nếu người lao động không đủ điều kiện nghỉ hưu thì BHXH sẽ chi trả trợ cấp cho người lao động như kiểu trợ cấp xã hội hằng tháng.
Vị chuyên gia cho biết, hiện nay chúng ta đang xây dựng chính sách an sinh xã hội đa tầng, trong đó có chính sách hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Do vậy từ chính sách hưu trí xã hội nên quy định giữ lại phần doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động để trả trợ cấp xã hội nếu như sau này người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu. Thậm chí, trong trường hợp người lao động chẳng may mất đi thì BHXH có thể chi trả theo dạng mai táng phí.
“Có rất nhiều cách trả cho người lao động để người lao động dừng nghĩ tới việc rút "một cục”. Đi cùng với chính sách giữ lại phần tiền của doanh nghiệp đóng, Nhà nước cần xây dựng chính sách hỗ trợ người lao động trong những lúc mất việc làm. Đồng thời quy định rõ, BHXH chi trả như thế nào sau khi chỉ trả phần người lao động đã rút”, vị chuyên gia lao động tiền lương góp ý.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc để người lao động rút hết BHXH một lần sẽ không đảm bảo chính sách an sinh cho người lao động khi về già.
Trong khi đó, phương án để người lao động rút 50% được nhiều ý kiến đánh giá phù hợp. Phương án này vẫn giữ chân người lao động ở lại hệ thống BHXH, hướng tới tiếp tục tham gia BHXH để về già có lương hưu hoặc trợ cấp hằng tháng.
Từ nhận định trên, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nên để sau cải cách tiền lương rồi lấy thêm ý kiến về vấn đề rút BHXH một lần cho cặn kẽ, từ đó có phương án phù hợp, đưa vào Luật BHXH (sửa đổi) cũng chưa muộn.